Banner Modal
Logo
  • Việt Nam
  • English

0

Từ mục này trở xuống là mã nguồn Zalo
Zalo 0974194339
Chat ngay

Tin tức & sự kiện

CỘT CỜ VIỆT NAM. LÁ CỜ VIỆT NAM. QUỐC KỲ VIỆT NAM.

CỘT CỜ VIỆT NAM. LÁ CỜ VIỆT NAM. QUỐC KỲ VIỆT NAM.

Quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng nhất của một thể chế chính trị quốc gia. Lịch sử Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lá cờ đỏ sao vàng - sinh ra trong máu lửa của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.  " Cột cờ Việt Nam. Lá cờ Việt Nam. Quốc Kỳ Việt Nam ".

Cột cờ Hà Nội Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng Thành Thăng Long (bắt đầu xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành năm 1812). Cột cờ cao 41m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế Cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, vững vàng cho Cột cờ Hà Nội. Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Chính vì vậy, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột cờ Hà Nội cũng đã được in trang trọng trên đồng tiền được phát hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khi đó, vào tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, Xứ ủy đặt ra yêu cầu làm một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh và động viên quần chúng nhân dân khởi nghĩa và giao cho đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (1) sáng tác lá cờ có nền đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa. Nền cờ màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, màu của máu, của tinh thần chiến đấu và chiến thắng; ngôi sao vàng 5 cánh tượng trưng cho khối đoàn kết sĩ-nông-công-thương-binh, màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho sự tươi sáng của nòi giống da vàng. Mẫu cờ được các đồng chí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thông qua. Đêm 22 rạng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở 18 tỉnh, từ Biên Hòa đến Cà Mau. Cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi lớn nhất ở Mỹ Tho, 56/58 xã giành được chính quyền, và lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên ngọn cây bàng tại xã Long Hưng rồi lan ra khắp các tỉnh Nam Kỳ. Từ đây, hình ảnh cờ đỏ sao vàng đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Tháng 5/1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã quyết định: Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ. Từ đây, cờ đỏ sao vàng 5 cánh trở thành cờ của Mặt trận Việt Minh và đây cũng là văn bản đầu tiên, chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam.

Ngày 16/8/1945, tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đại hội Quốc dân được triệu tập. Đại hội đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, quy định Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân đứng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền với khẩu hiệu: “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”(2). Ngày 17/8/1945 bế mạc Đại hội, các thành viên trong Ủy ban Dân tộc giải phóng đã hướng lên cờ đỏ sao vàng, nghiêm trang tuyên thệ quyết giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, cờ đỏ sao vàng xuất hiện khắp cả nước. Đặc biệt, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc kỳ Việt Nam đã tung bay trên bầu trời Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Sau ngày đất nước độc lập, ngày 5/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 5, ấn định quy cách Quốc kỳ Việt Nam:

“Nền cờ: Hình chữ nhật, bề ngang bằng 2/3 bề dài. Nền màu đỏ tươi, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh vàng tươi.

Sao: Từ trung tâm đến hết một góc lồi bằng 1/5 bề dài lá cờ. Từ trung tâm đến hết một góc lõm bằng 1/10 bề dài lá cờ.

Cách đặt sao: Ngôi sao vàng có 5 góc lồi và 5 góc lõm, trung tâm sao đặt trung tâm nền cờ, một góc lồi quay thẳng lên phía trên”.

Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 3/1946), Quốc hội đã nhất trí lấy cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ và được ghi vào Hiến pháp năm 1946.

Kể từ đó, Quốc kỳ Việt Nam trở thành biểu tượng thiêng liêng của nhân dân Việt Nam, gắn liền với những chiến công oanh liệt của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries (ngày 7/5/1954), dẫn đầu đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội (ngày 10/10/1954), tung bay trên khắp phố phường, thôn xã, núi rừng, biển đảo, trong những ngày lễ, ngày mừng chiến thắng, được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong các hội trường, cơ quan, công sở ở nước ta và các cơ quan, hội nghị ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (từ 24/6 đến 3/7/1976), Quốc hội khóa VI đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó tiếp tục công nhận Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh.

Cột cờ thành Huế (Kỳ đài Huế)

Sách Dư địa chí Thừa Thiên - Huế ghi, kỳ đài Huế được chính thức xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão, 1807), lúc đầu còn đơn giản, dựng bằng gỗ cao chừng 30m, sau đó năm 1948, cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m. Người dân cố đô Huế còn gọi là cột cờ Phu Văn Lâu (vì nó nằm ngay sau Phu Văn Lâu - Huế), là công trình thuộc quần thể kiến trúc cố đô Huế, nằm ở phía trong mặt tiền kinh thành, trước Ngọ Môn, theo hướng Nam, ở khoảng giữa hai cửa Ngăn và cửa Quảng Đức, trên pháo đài Nam Chánh.

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Cột cờ Tổ quốc được xây dựng từ đóng góp của đoàn viên, thanh niên cả nước có chiều cao 20m, đường kính 3m, mặt hướng ra đảo Hoàng Sa. Cột cờ được xây dựng nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển, đảo Tổ quốc, đồng thời thể hiện tấm lòng của tuổi trẻ cả nước hướng về biển đảo.

Cột cờ bên bờ Hiền Lương

Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước thành 2 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Cột cờ Hiền Lương ra đời trong ý nghĩa nhằm xây dựng một biểu tượng để nhân dân hai bờ có thể thấy được “sự vượt trội” của mỗi chế độ. Tại đây, liên tục từ năm 1954 đến 1967, đã diễn ra cuộc “chạy đua” độc đáo nhằm giành ưu thế về chiều cao của cột cờ và chiều rộng của lá cờ. Nhiều người ví đó là cuộc “chọi cờ” lịch sử. Chúng ta dựng cột cờ đầu tiên cao 12m, lá cờ rộng 24m2, ở ngay sát đầu cầu Hiền Lương để nhân dân bên bờ Nam từ xa cũng có thể nhìn thấy, để luôn luôn giữ vững tinh thần hướng về miền Bắc ruột thịt của nhân dân, củng cố thêm nghị lực và ý chí đấu tranh cho ngày thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà.

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn), có tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc, 105°18’58’’ kinh đông, nơi điểm cực bắc Việt Nam.

Theo như truyền lại, cột cờ bắt đầu được xây dựng từ thời Lý, làm từ cây sa mộc cao trên 10m. Đến thời Pháp thuộc năm 1887, cột cờ được xây lại, rồi trải qua nhiều lần trùng tu với độ cao và kích thước khác nhau. Theo thiết kế mới, cột cờ ngày nay chính thức được xây dựng với tổng chiều cao 33,15m, trong đó chân cột cao 20,25m, cán cờ cao 12,9m, đường kính ngoài chân cột rộng 3,8m. Cột cờ được thiết kế hình bát giác giống cột cờ Hà Nội, 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kì lịch sử khác nhau của đất nước. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 mét vuông (chiều dài 9m, chiều rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

________________________

(1) Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941), quê Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam. Ông là một thầy giáo, tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (1927), Phó Bí thư tỉnh Đảng bộ (1930), bị địch bắt đày ra Côn Đảo (1931), vượt ngục (1935), tiếp tục hoạt động cách mạng ở Cần Thơ, phụ trách công tác tuyên truyền, hi sinh (1941).

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr.553,554.

Trần Quang Đạo

TOP